Mẹ phải viết lại đây tất cả mọi thứ một cách chi tiết nhất có thể để mẹ sẽ luôn nhớ có được em yêu 5 tuần tuổi ngủ ngon trong nôi bên cạnh như thế này, ba mẹ đã trải qua những gì.
1. Tuần trước khi mẹ sinh Sim
“I will be very surprised if I still see you here next week”. Ông OB Trent Miller nói với ba mẹ câu đấy sau khi khám cho mẹ vào thứ 3, 9/12/2014. Ông ấy khám trong cho mẹ và kêu mọi thứ của mẹ ngon lành và sẵn sàng cho con ra đời. Mẹ lần đầu tiên biết thế nào là khám trong, đã cắn chặt răng vì đau và nghĩ “bỏ mịe, mới thế này mà đã đau thế này. Tập xác định rồi!!!". Mà câu nói của ông ấy cũng làm mẹ như tỉnh cơn mơ, mẹ bắt đầu thấy sợ, không có cảm giác háo hức mong chờ, mà chỉ thấy hồi hộp, hoang mang và sợ. Mẹ cảm thấy lúc đấy mọi thứ bắt đầu thật hơn, con sẽ thực sự sớm có mặt ở đây, rất sớm thôi. Không còn cái bụng tròn tròn mẹ vác đi khắp nơi, không còn là những cái đạp làm mẹ phải xoa bụng xuýt xoa. Mà con sẽ ở đây, là một hình hài trọn vẹn, để mẹ có thể sờ thấy, có thể nhìn thấy. 9 tháng mang thai đã sắp hết rồi, con sẽ sớm ở đây, sẽ sớm có mặt trong cuộc đời ba mẹ. Gia đình mình sẽ không còn chỉ có 2 người nữa, mẹ sẽ chuyển từ bà bầu sang bà đẻ và sang làm bà mẹ. Sẽ rất sớm thôi!!!
Hôm đấy mẹ về, hoang mang cực độ. Không biết cái gọi là “sớm” đấy sẽ là lúc nào. Mẹ lại chui vào phòng xem lại túi đồ của mẹ của con, lôi ra cất vào, nhìn những cái áo chỉ dài bằng bàn tay mẹ, không hiểu được sao con có thể mặc vừa, không hiểu được con sẽ như thế nào…
Thứ 3 qua đi, thứ 4 ba đi làm. Mẹ ở nhà thấy cái mà mẹ nghĩ là “the show”, mẹ nhắn cho ba bảo là chắc sắp sinh rồi. Mẹ nghĩ chắc chỉ đêm nay, ngày mai.
Thế rồi thứ 4 qua đi, thứ 5 ba vẫn đi làm. Mẹ ở nhà bắt đầu công cuộc nấu nướng. Mẹ lịch kịch làm bò sốt vang (fail toàn tập), ninh móng giò (về sau ba nấu cháo móng giò siêu ngon), luộc sườn sẵn (chưa sinh ba mẹ đã ăn hết sườn rồi), ba mua cả 4 con chim Bồ câu về để đông lạnh nữa. Xong mẹ bắt đầu thấy đau nhâm nhẩm bụng, mẹ nghĩ đây rồi, bắt đầu rồi. Nhưng được 1 buổi chiều lại hết. Tối ba về mẹ bảo chắc mẹ sắp sinh rồi, hay mai ba ở nhà. Ba hỏi mẹ đau như nào, mẹ bảo hơi hơi khó chịu, ba nghi ngờ lắm, bảo thế thì không phải là contraction rồi, người ta cơn co phải hoành tráng chứ. Đêm hôm đấy mẹ ngủ ngon, thỉnh thoảng lại thấy hơi đau đau.
Thứ 5 qua đi, lại đến thứ 6. Cách đấy mấy hôm, ba down cho mẹ 1 app tên là Full term để theo dõi cơn co, cứ khi nào đau thì ấn nút, hết đau lại ấn nút, nó sẽ ghi lại và xem tần suất cơn co như thế nào. Sáng thứ 6 khoảng 6h mẹ đau đau, mẹ sung sướng lôi cái app ra dùng. Nằm đợi xong ấn xong đợi xong ấn, được khoảng 4,5 lần thì xem thống kê thế nào. Thấy có vẻ cứ 20p/lần, cũng nhẹ nhàng thôi. Khoảng 7h hơn ba dậy, mẹ hí hửng khoe xong bảo có khi hôm nay sinh. Thế là ba nhắn tin vào bảo ba làm việc ở nhà hôm nay. Mẹ biết ba nhắn vậy thôi chứ trông ba vẫn hoài nghi lắm, chắc nghĩ mẹ còn lâu mới đẻ, vui vẻ thế kia cơ mà. Sáng hôm đấy, sau 8h thì mẹ chả đau nữa, chỉ nặng nề vì bụng to thôi. Ba làm việc ở nhà, thỉnh thoảng bắt mẹ đi bộ vòng quanh nhà cho dễ đẻ. Mẹ thì vừa đi vòng quanh nhà, vừa làm nốt mấy cái thiếp để Giáng sinh mọi người đến chơi. Chiều tối vẫn chả thấy gì, tối hôm đấy còn ăn bữa lẩu hoành tráng linh đình.
Đột nhiên, đến 10h tối tình thế thay đổi. Mẹ đau nhiều hơn, khó chịu thấy rõ. Mẹ bắt đầu xuýt xoa kêu ca. Ba vẫn bình thường lắm, vẫn nghĩ đấy chưa phải cơn co gì cả. Mẹ dùng app thì thấy tần suất nhanh hơn, 5p/lần và đau lâu hơn, khoảng gần 1p/lần. Đến 11h cũng khá đau rồi, mẹ bảo ba gọi vào bệnh viện hỏi xem vào được chưa, vì lúc đó khoảng 3-4p/lần và đau khoảng 1p. Ba gọi và họ bảo mẹ thế chưa vào được, phải 2p/lần trong thời gian dài và ổn định thì hãy gọi lại. Còn bây giờ cứ ở nhà thôi. Mẹ chui vào bồn tắm nằm, nằm chả ăn thua gì, vẫn đau lắm. Mẹ lại bảo ba gọi lại xem như nào, ba thì muốn mẹ ở nhà vì vào viện cũng chưa đẻ được và cái chính là ba nghĩ mẹ kêu thế thôi, chứ chắc chưa đau lắm. Còn mẹ thì thấy đau lắm rồi, đứng ko thẳng được nữa rồi, dùng cái app kia thì tần suất dưới 2p/lần và kéo dài hơn phút rồi. Mẹ ra khỏi nhà tắm, vào phòng ngủ là quỳ xuống ôm giường rên rỉ vì đau. Mẹ lại giục ba gọi vào bệnh viện. Lúc này sau khi hỏi thông tin xong thì họ bảo OK, vào đi. Ba mẹ khăn gói quả mướp lên đường. Trước khi đóng cửa mẹ còn nghĩ, lần tới mình mở cửa vô nhà là có Sim bế theo rồi.
Ngồi trên xe đến bệnh viện lúc 2h sáng siêu khó chịu, cơn co dồn dập, người mẹ thì to, mỗi lần đau mẹ lại nắm chặt tay vào chỗ vịn phía trên cửa, cố gắng hát và nghĩ đến chuyện khác để lờ cơn đau đi. Nhà cách bệnh viện có 10p lái xe, 2h sáng lại càng dễ lái mà sao mẹ thấy lâu thế. Vào bệnh viện thì đi nhầm chỗ, cứ lên tầng lại xuống tầng mấy lần, mẹ đứng trong thang máy còn phải vịn, đi 1 tí lại vịn. Vào đến nơi có y tá ra đón, hỏi thăm xong bảo mẹ bây giờ phải kiểm tra xem mở được bao nhiêu rồi, từ 4cm thì sẽ nhập viện. Mẹ nghĩ trong đầu, đau thế này phải mở 6,7cm là ít.
Vào phòng nằm để khám trong. Lại đau gần chết. Cô y tá bảo mới mở được 2cm. Mẹ như không tin vào tai mình, 2cm?! Mẹ đau như thế, đi không vững mà mới mở được 2cm?! Có nhầm không?! Cô y tá nhìn thấy mẹ thất vọng não nề thì chắc thương lắm, an ủi bảo con đầu lòng thường lâu, cứ 2 tiếng thì mở được 1cm. 2 tiếng mở 1cm?! Thế thì mẹ đứt rồi, đau làm sao chịu nổi. Sau đó còn phải nằm để đo nhịp tim của con và cơn co của mẹ mất gần tiếng. Rồi đến 4h sáng, ba mẹ cắp đồ ra xe đi về. Cảm giác lái xe về lúc đó, mở cửa vào nhà lúc đó trời ơi là nản, là chán, là hỗn hợp của tất cả các cảm giác tiêu cực.
2. Ngày mẹ sinh Sim. Thứ 7, 13/12/14
Về nhà ba mệt quá nên đi ngủ. Mẹ leo lên giường được khoảng 2p rồi từ lúc đó đến khoảng hơn 10h sáng là khoảng thời gian mẹ không bao giờ quên. Mẹ không ngủ được, đau kinh khủng, dồn dập nhưng mẹ biết còn lâu mới mở đủ. 2 tiếng/cm cơ mà, cứ thế thì đến chiều tối mới may ra. Mẹ lúc đó không đi được nữa, chỉ bò thôi, bò từ phòng ngủ sang phòng khách rồi bò lại phòng ngủ. Kê gối dưới chân rồi quỳ nằm lên giường, lên ghế, mẹ làm đủ các tư thế, hát đủ các bài, an ủi, vỗ về bản thân mỗi khi cơn co đến. Cơn co thì kinh khủng, nhanh và mạnh. Cơn trước vừa qua thì cơn sau lại đến, mẹ ko kịp hoàn hồn, ko kịp vỗ về an ủi. Chỉ biết lặp đi lặp lại “relax! Relax! Relax!", cố gắng tập trung vào từng lần thở, cố gắng hết sức không nghĩ gì ngoài việc thở. Rồi sau đó mẹ hoàn toàn bỏ cuộc, để mặc những cơn đau dữ dội đến rồi đi, để mặc cái đau tràn vào cơ thể mình, quật ngã mình rồi lại đi. Mẹ cố gắng không nghĩ gì ngoài từ “relax!” Và thở. Những khi đau quá, mẹ nói với bản thân “chỉ là đau về thể xác thôi, không có vấn đề gì hết! Đau về thể xác thì có gì mà không chịu được! Chỉ là đau thể xác thôi mà!!". Cứ thế, từng phút trôi qua sao mà chậm, các cơn đau sao mà dài. Thế rồi mẹ lại có cảm giác muốn push, mẹ không kìm được và không hiểu sao lại thế. Cứ thế, đau đớn đến 10h hơn thì thực sự là không chịu được nữa. Mẹ gọi ba dậy để vào bệnh viện. Mẹ chẳng có tí niềm tin gì là sẽ mở thêm tẹo nào cả, nhưng mà đau quá mà lại bị rặn liên tục. Lúc 2h sáng vào viện đau 1 thì bây giờ đau gấp 10 lần. Sáng thứ 7, 10h, đường đông!
3. Nhập viện.
Vào đến nơi, mẹ gần như bò, đi được vài bước lại dừng lại vì đau và muốn push. Push xong thì dễ chịu được khoảng 10s. Mẹ vào phòng nằm, lại khám trong, cô y tá bảo mẹ mở được 7cm. 7cm? Có nghe nhầm không? Sao lại nhanh thế được? Nhưng mà đến 10cm thì đường còn dài lắm.
Mẹ nằm trên giường, đau tê tái, lặp đi lặp lại những điều từ sáng đến giờ vẫn lẩm bẩm. Cô y tá cứ thỉnh thoảng lại vào đo nhịp tim của con xem có ổn không. Khoảng 1 tiếng sau, mẹ đau quá, mẹ bảo mẹ cứ bị push, không hiểu là sao. Cô y tá bảo thường đến khi mở đủ 10cm mới bắt đầu push, cô ấy đi gọi ông Miller. Lúc sau ông ấy vào, kiểm tra, hỏi han rồi bảo mẹ phải nhịn, không được rặn, rặn như vậy sẽ hại cho mẹ và con. Trời ơi! Mẹ cứ tưởng cơn co là điều tồi tệ nhất rồi, đến lúc đó mẹ mới biết không được rặn mới là điều kinh khủng hơn gấp bao nhiêu lần. Nếu lúc trước cơn co đến, mẹ cứ mặc kệ cho cơn đau muốn làm gì thì làm, rồi nó cũng qua, thì bây giờ mẹ phải chiến đấu, bắt cơ thể mình kìm lại, không được push con ra. Cứ thế, 11h, rồi 12h… Ba nắm tay mẹ thì thầm: “breathe in! Breathe out!". Cứ thế cả trăm lần, cả ngàn lần. Cô y tá cũng thương mẹ lắm, động viên nắm tay cùng tập thở với mẹ. Mỗi khi cơn co đến, mẹ nắm chặt tay ba cố kìm không cho cơ thể push con ra, nhưng khi không làm được mẹ lại khóc vì thấy mình không thể bảo vệ được con. Đến 1h trưa thì cô y tá thương quá, bảo mẹ có khi chọc ối bắt đầu sinh thôi, mẹ gật đầu ngay lập tức. Sau khi Bác sỹ Miller chọc ối là mẹ mở 10cm luôn.
Từ đó cho đến lúc 3h42p là trong phòng có mẹ, có ba, có Bác sỹ Miller, có cô y tá thương mẹ và 1 cô y tá kinh dị. Cứ mỗi lần cơn co đến là từng đấy người xúm lại quanh mẹ, hò hét động viên “Push! Push! You’re doing so great! Just a little bit more!!", rồi cơn co lại qua đi, mỗi người lại một việc: ba kiểm tra máy ảnh, cô y tá kiểm tra nhịp Tim của con, ông Miller kiểm tra điện thoại. Cứ như thế, xúm vào rồi tản ra, xúm vào rồi tản ra. Lúc đấy mẹ đau lắm nhưng mà cũng thấy thật hài hước, cứ như ngày xưa mẹ xem bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan, quân ta mà tiến vào gần cầu môn của quân địch thì cả khu nhà mẹ hò hét ầm ầm đứng hết cả lên, rồi không ăn thua lại xìu xuống. Nhưng sau đó ba bảo với mẹ là mọi người hò hét động viên thế thôi chứ ba nhìn là ba biết còn xa tim lắm. Đến hơn 2h, Bác sỹ Miller bảo không ăn thua rồi, tiêm thuốc kích cơn co cho mẹ thôi. Truyền thuốc thì cơn co dồn dập hơn, mọi người tha hồ mà xúm vào tản ra. Có cô y tá kinh dị bắt mẹ push cật lực mỗi khi cơn co đến, vì theo cô ấy thì mọi cơn co đều quan trọng và phải chớp mọi thời cơ. Còn ba thì không đồng ý, ba bảo sức đâu mà push liên tục thế, mẹ phải dưỡng sức đợi những cơn lớn. Thế nên khi cơn co đến mà cô kia bảo mẹ push rồi bảo mẹ làm tốt lắm sắp được rồi thì ba con cũng hò hét không kém: “không được đâu vợ ơi! Dưỡng sức đợi cơn sau thôi!” (Tất nhiên là bằng tiếng Việt và ba vẫn cười rất tươi với cô kinh dị).
Kể cho Sim nghe câu chuyện bên lề về ba. Trước khi mẹ sinh, ba bảo ba vào trong phòng sinh thì chỉ đứng ở phía đầu giường nắm tay mẹ tình cảm dạt dào thôi. Thậm chí sẽ từ chối cắt dây rốn cho con. Và mẹ nghĩ thế cũng là bình thường, hầu như ông bố nào cũng thế. Nhưng mà mẹ lầm to! Từ khi bước chân vào phòng sinh là ba con chuyển mode trở thành trợ thủ đắc lực của Bác sỹ và y tá. Ba xông xáo, đi lại lăng xăng, trò chuyện hỏi han, chạy lên đầu giường nắm tay mẹ động viên, chạy xuống dưới ngó nghiêng cùng Bác sỹ, bình luận nọ kia trông rất chuyên môn với mọi người. Mỗi khi ba với ông Bác sỹ khoanh tay nhìn nhau lắc đầu khi thấy cơn co và lực đẩy của mẹ không đủ thì mẹ không biết nên cười hay mếu.
Đến khoảng 3h15 thì mẹ đuối như cá chuối, Bác sỹ cũng thấy lâu phết rồi mà chẳng ăn thua gì cả nên hỏi ba mẹ có muốn chuyển sang Plan B không, đó là combo dùng vacuum để hút + thuốc kích cơn co + lực push của mẹ. Lúc đấy rồi thì cái gì mẹ chả gật. Thế là Bác sỹ mặc áo, đeo găng, mang dụng cụ loảng xoảng ra để chuẩn bị và nói với mẹ lần tới có cơn co mạnh thì dùng hết sức nhé. Thế là vài giây sau có 1 cơn co sắp đến, mẹ thầm nghĩ: “that’s it! Now or never!". Mẹ mệt lắm rồi và biết nếu không tận dụng lần này thì không biết phải dùng tới Plan C, D, E gì nữa. Nên phải là lần này, đặt hết tiền cược vào cơn co này! Và đấy là cơn co dài nhất mẹ từng trải qua, mỗi dây kéo dài cả ngàn thế kỷ. Bác sỹ, y tá, ba con hò hét váng hết cả phòng như là Việt Nam đã đưa bóng đến sát khung thành của Thái lắm rồi. Mọi người bắt mẹ lấy hơi push tiếp, cứ lấy hơi rồi push càng lâu càng mạnh càng tốt. Rồi tự nhiên mẹ nghe thấy Bác sỹ bảo đầu con ra được rồi, mẹ không được push nữa, cố gắng không push nữa. Lúc đấy thì cơ thể mẹ đang thừa thắng xông lên tự nhiên bị bảo nằm im không được push thì thấy thật khó. Mẹ lại bặm môi bặm lợi kìm lại không push con thêm nữa. Rồi mẹ nghe thấy Bác sỹ gọi ba: “San! Come here!". Ba chạy xuống thì ông ấy bảo: “Put your hands out!", ba cứ nghĩ là ông ấy nhờ hỗ trợ gì, vừa đưa tay ra là BỤP! một quả bóng dài 52.5cm, nặng 3.67kg phi ra, nằm trọn trong tay ba!
Mặt ba con lúc đấy thì không bút nào tả nổi, hoảng loạn thôi rồi và phải mất vài giây khi con bắt đầu khóc um lên thì ba mới hoàn hồn và hiểu rằng ba vừa đỡ đẻ cho mẹ! Thật may vì ba đủ bình tĩnh để không làm rơi con và cắt dây rốn cho con nhẹ nhàng.