1. Tranh thủ mua đồ khi mang bầu
Mình nhận ra là thời gian bắt đầu sắm đồ cho bé thích hợp là khi được khoảng 24-25 tuần. Lúc đó đã qua thời kỳ nghén 3 tháng đầu, sức khoẻ và tinh thần đã ổn định, bụng vẫn chưa nặng nề nên rất thích thú đi mua sắm. Trước đó thì mình tranh thủ nghiên cứu trên mạng, hỏi các chị họ kinh nghiệm và liệt kê những đồ bắt buộc phải mua. Rồi lại ngó nghiêng xem ở đâu có, so sánh giá để được đồ hợp lý nhất. Sau đó cứ cuối tuần là 2 vợ chồng lái xe đi mua, những gì chắc chắn phải mua thì sẽ mua luôn (cũi, quần áo, tủ,…), cái gì chưa chắc chắn thì xem xét tiếp rồi quyết sau (bình, máy hút sữa, sữa tắm, bỉm,…). Vì chỉ có 2 vợ chồng nên cứ phải tranh thủ đi mua từ sớm vì đến khoảng 35 tuần là nặng nề rồi, ngồi xe đã thấy khó nhúc nhích chật chội rồi.
2. Những lần khám thai
Hồi đấy mình hay đọc thông tin trên mạng, đọc cả thông tin của ta lẫn của tây, thông tin của báo lẫn các nghiên cứu, rồi còn hỏi chuyện mẹ, các chị và bạn bè. Nói chung là rất nhiều thông tin và rất nhiều thắc mắc, nhiều khi hoang mang và không biết như thế nào, thế là mình quyết định hỏi bà đỡ. Lần nào đến khám thai mình cũng gặp bà đỡ trước, bà ấy sẽ đo huyết áp, nói chuyện và trả lời tất cả câu hỏi của mình. Mình nhận ra mình biết được nhiều thông tin từ bà đỡ vì bà ấy có bao nhiêu năm đỡ đẻ, bản thân cũng đã sinh con nên rất nhiều kinh nghiệm. Nên mỗi lần gặp bà đỡ là mình chuẩn bị list câu hỏi, lần nào cũng hỏi rất nhiều về tất cả mọi thứ mình không rõ, và không ngại khi những câu hỏi của mình có vẻ hơi ngố (đau đẻ sẽ như thế nào? Có sợ không? Khi đau đẻ thì phải làm j? Có nên mua cái nọ cái kia không? Không có sữa thì phải làm sao? Ho mọc tóc là cái j?…). Nói chung là không có gì mà mình không hỏi, và mình thấy kể cả câu hỏi của mình có ngố đến mấy thì họ cũng không bao giờ cười mình, mà luôn giải thích cặn kẽ vì họ rất hiểu những người lần đầu làm mẹ thì hoang mang là chuyện hiển nhiên.
Đến cả sau khi sinh xong, mình không biết bế con, không biết cho con ti, không biết quấn tã, tắm cho con,… mình cũng đều không ngại ngần hỏi mọi người. Nhiều khi không chỉ hỏi 1 lần mà hỏi đi hỏi lại và còn phải nhờ y tá bác sỹ giúp. Mình nhận ra vấn đề không phải ở việc mình có nhờ họ hay không mà là cách mình nhờ họ như thế nào. Hầu như ở đây không ai từ chối giúp một người mẹ mới sinh con, chưa có kinh nghiệm và cần sự hỗ trợ.
3. Chuẩn bị cẩn thận trước khi sinh
Thứ nhất là chuẩn bị đồ dùng cho mẹ và bé ở nhà. Không cần phải mua nhiều vì bé sẽ lớn khá nhanh, đồ sơ sinh chỉ nên mua từ size 000, bỉm cũng mua vừa phải vì hết sẽ mua tiếp, không cần tích trữ làm gì. Những đồ cần rửa và lắp thì nên làm trước (bình, máy hút sữa, máy hâm sữa, máy tiệt trùng,…), vì sau khi ở viện về 2 vợ chồng mình đã cuống lên khi con bắt đầu đói khóc mà máy móc vẫn nằm đẹp đẽ trong hộp.
Thứ hai là chuẩn bị đồ cho mẹ và bé khi vào viện. Mình thấy là quần áo mang nhiều 1 chút không sao vì thời gian ở viện có khi kéo dài hơn mình nghĩ, sau khi sinh xong cơ thể yếu nên chịu lạnh cũng kém. Mình sinh giữa hè nhưng do bệnh viện bật điều hoà nên mình vẫn mặc áo len bình thường.
Thứ ba là chuẩn bị đồ ăn ở nhà. Do chỉ có 2 vợ chồng mình nên việc chuẩn bị trước đồ ăn vài hôm khi mình đi sinh là rất cần thiết. Rất may Jeremy sinh đúng ngày dự sinh (thứ 7), nên trước đó mình đi chợ và thứ 4, 5 thì bắt đầu nấu rồi bỏ vào hộp đông lạnh. Sau khi sinh mình ở bệnh viện 3 ngày (t7-t2), chồng mình vẫn có đồ ăn ở nhà và nấu cháo mang vào cho vợ. Bên này bệnh viện phục vụ 3 bữa ăn chính nhưng hầu như là món ăn nguội, sữa và nước hoa quả thì lạnh. Mình mới sinh xong chỉ thèm cháo và đồ ăn ấm nóng nên lần nào chồng mang cháo vào mình cũng sung sướng ăn hết sạch.
Thứ tư là chuẩn bị tinh thần. Mình mang thai 40 tuần nên cơ thể cũng thay đổi từ từ và ngày càng sẵn sàng làm mẹ, mình cũng đọc thêm thông tin nên cũng dần dần tưởng tượng được sau khi có em bé sẽ như thế nào. Nhưng chồng mình thì không thế. Trong thời gian vợ mang bầu mệt mỏi thì anh luôn ở bên, xoa bóp massage, thỉnh thoảng đi chợ nấu nướng giúp vợ, nhưng anh không mất ngủ đêm nào, không mệt mỏi về mặt thể xác, không thể tưởng tượng được một đứa bé có thể đảo lộn cuộc sống như thế nào. Nên thực ra chồng mình là người rất cần được chuẩn bị tinh thần trước khi Jeremy ra đời. Thế nên bọn mình đăng ký lớp học thai sản, anh có mặt trong tất cả các lần siêu âm khám thai của mình, nghe tất cả các câu hỏi và câu trả lời của mình và bà đỡ, mình cho anh đọc các dấu hiệu bắt đầu sinh, nhắc anh khi đấy nhớ làm gì, cho anh đọc về việc trầm cảm của mẹ sau khi sinh. Anh cũng có mặt trong phòng khi mình bắt đầu lên bàn đẻ, anh cũng chính là người đỡ đẻ cho mình và cắt dây rốn cho Jeremy. Có lẽ vì luôn ở bên cạnh mọi giây phút nên anh không quá choáng ngợp khi Jeremy bước vào cuộc sống của bọn mình với những đêm không ngủ hoặc cứ 2 tiếng là cho con ăn.
4. Cẩn thận với mọi quyết định
Từ khi có em bé là mọi quyết định của vợ chồng mình đều ảnh hưởng đến con, thế nên trước khi quyết định làm gì bọn mình cũng phải suy nghĩ, hỏi tư vấn kỹ càng. Chồng mình là người rất cẩn thận khi liên quan đến sức khoẻ của con, nên mọi việc không bao giờ mình tự quyết mà luôn bàn với anh. Ngay từ khi biết mình có bầu, anh đã dán note khắp nhà để nhắc nhở mình uống vitamin, cẩn thận khi dùng thuốc, tất cả đồ ăn phải được nấu chín, thực phẩm mình không được phép ăn. Nên mặc dù sau khi hết nghén có những món mình rất thèm nhưng vẫn kiêng triệt để, không bao giờ ăn. Có lẽ vì vậy mà mình có 40 tuần rất nhẹ nhàng, tăng 15kg, kết quả thử máu bao giờ cũng tốt, quần áo mình vẫn mặc bình thường chỉ có bụng là to ra, không mất ngủ đêm nào, không một lần bị chuột rút. Hay khi Jeremy 3 tháng rưỡi bọn mình cho con về thăm ông bà 3 tuần, ai cũng bảo ngắn quá, còn nhỏ thế thì ở lâu một chút nhưng anh nhất quyết không chịu mà muốn đưa con quay lại để kịp tiêm định kỳ. Thật may vì bọn mình đã quyết định như vậy vì tình hình tiêm vacxin ở nhà thật đáng lo ngại. Hay mỗi khi con ho, sốt anh đều lên mạng đọc thông tin, gọi điện thoại hỏi tư vấn bác sỹ thay vì đưa con đi bệnh việc ngay hoặc cho con uống thuốc ngay. Cũng có lẽ vậy mà Jeremy đã gần 11 tháng nhưng chưa phải uống một viên thuốc nào. Trộm vía con 3 tháng đã mặc đồ 6 tháng, 6 tháng mặc đồ 12 thàng, bây giờ mình bắt đầu mua đồ 2 tuổi cho con.
5. Luôn bình tĩnh
Từ ngày có Jeremy mình tâm niệm rằng mình phải luôn bình tĩnh trong mọi trường hợp thì mới giải quyết vấn đề tốt được. Mà muốn bình tĩnh thì phải có kiến thức.
11h đêm thứ sáu 12/12/2014 mình bắt đầu có các cơn co, mình lo lắng lắm, không biết sẽ là những gì chờ đợi mình phía trước. Nhưng lúc đó lo lắng, hoang mang là điều tồi tệ nhất vì nó khiến nhịp tim và nhịp thở không ổn đinh, không chỉ hại mẹ mà còn ảnh hưởng đến con. Thế nên điều duy nhất mình có thể làm lúc đó là áp dụng mọi kiến thức đã biết và tập trung vào từng nhịp thở và bình tĩnh. Đau mấy cũng chịu, cứ tập trung vào từng nhịp thở. Bạn y tá đỡ đẻ cho mình hôm đấy đã phải nói mấy lần là ít thấy ai chịu đau và nhịp tim tốt như thế vì hầu như khi mở 8cm thì đau lắm rồi và mọi người thường kêu rên la hét. Mình quyết định là không ầm ĩ làm gì cả vì chẳng làm mình bớt đau hơn mà lại làm mọi người xung quanh căng thẳng. Thế là mình đau từ 11h đêm đến 3h chiều thì sinh Jeremy.
Rồi khi Jeremy được khoảng gần 3 tháng thì con đi ngoài 4-5 ngày/lần, có khi 7 ngày 1 lần. Trước đó bọn mình đã đọc trên mạng thấy nhiều mẹ Tây chia sẻ tương tự và bảo là cứ bình tĩnh, mình hỏi tư vấn bác sỹ thì được bảo cách massage bụng cho con, để ý thái độ của con có chịu ăn chịu ngủ chơi đùa khó chịu gì không. Con vẫn sinh hoạt bình thường, uống sữa mẹ hoàn toàn và mỗi lần con đi đều ổn, không hề bị táo. Đỉnh điểm là lần con 11 ngày không đi, bọn mình khi đó đang ở Việt Nam, mình như ngồi trên đống lửa, ông bà thì sốt ruột lắm rồi, mình bảo chồng hay là đi bệnh viện. Anh bảo cứ bình tĩnh, con không có dấu hiệu gì bất thường nên để nốt hôm nay xem sao. Đến ngày 12 thì con đi, cả nhà thở phào nhẹ nhõm, con đi hoàn toàn bình thường không bị táo gì cả. Sau đó có bác sỹ nói với mình có thể Jeremy phình đại tràng bẩm sinh nên sẽ cần nhiều thời gian hơn để làm đầy.
Bây giờ con bắt đầu biết bò, bám vịn đi quanh nhà, mình vẫn phải nhắc nhở bản thân phải bình tĩnh. Khi con ngã nhẹ thì phải bình tĩnh, để con tự ngồi dậy và hỏi thăm con thay vì lao đến bế ngay con dậy. Khi đút cho con ăn mà con nghịch ngợm vung tay làm rơi hết đồ ăn cũng phải bình tĩnh bảo con lần sau không được thế. Khi con ăn miếng to mà oẹ oẹ thì cũng cần bình tĩnh xem thái độ của con để xử lý.
Mình nhận ra là mình phải bình tĩnh thì con mới bình tĩnh được, vì con lúc nào cũng cần sự che chở của mình và con lúc nào cũng cần phải có cảm giác yên tâm và an bình.
6. Luôn có niềm tin
Tin tưởng bản thân. Một trong những điều mình lo lắng nhất trước khi sinh là không có sữa cho con. Gặp bác sỹ nào mình cũng hỏi vấn đề đấy, tìm đọc các bài về thức ăn lợi sữa, trước khi sinh mình cũng tìm mua chân giò về hì hụi ninh nấu cất sẵn vào tủ đá. Sau khi sinh xong thì mình chỉ có tẹo sữa non, 3-4 hôm sau mới có sữa về, trong mấy ngày đầu mình đau khổ cho con ti, rồi hút sữa, tìm đủ mọi cách để kích sữa về. Vết khâu của mình khá nặng nên không ngoa khi nói rằng rất nhiều y tá và bác sỹ ở bệnh viện đã đến hỗ trợ giúp mình bế con, dạy mình cách cho con ti, cho mình mượn máy hút sữa, dạy mình cách sử dụng nhiều công cụ để kích sữa về. Rồi cả khi Jeremy bị vàng da, phải đi chiếu đèn và nằm viện 2-3 hôm, các bác sỹ cũng sang tận nơi để hỏi thăm và giúp đỡ mình. Thế nên mình không bỏ cuộc được, bằng mọi cách phải có sữa cho con, mặc dù dùng máy hút của bệnh viện mạnh đến nỗi chảy máu, sữa chuyển thành màu hồng bác sỹ bảo vẫn cho con ăn được, sữa mẹ rất quý. Thế là đúng 1 tuần sau khi Jeremy sinh thì mình trữ được túi sữa thừa đầu tiên. Cảm giác hạnh phúc vô cùng. Mình nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ 6 tháng đầu và cho đi khoảng 50lit sữa cho các mẹ Tây. Mỗi lần họ đến xin sữa đều choáng váng với ngăn đá không còn chỗ để thức ăn của nhà mình. Đến gần đây khi Jeremy hơn 10 tháng mình mới phải mang sữa đông lạnh cho con ăn thêm vì sữa ít dần.
Thế nên mình nhận ra là chỉ cần tin rằng mình làm được và thật sự cố gắng thì hầu hết là sẽ làm được. Trước khi sinh con mình cũng không bao giờ nghĩ được rằng 2 vợ chồng có thể tự chăm con, chợ búa cơm nước làm việc nhà, rồi buổi tối vẫn có thời gian xem phim, chơi game với nhau, cuối tuần vẫn tụ tập bạn bè ăn uống chơi bời.
Tin tưởng vào con. Sau 10 tháng làm mẹ, mình nhận ra rằng dù con còn rất bé bỏng nhưng con cũng rất mạnh mẽ và mẹ hoàn toàn có thể tin vào quyết định của con. Con dù chưa biết nói nhưng con có sở thích riêng, thói quen riêng và việc của mẹ chỉ là lắng nghe điều con muốn và tôn trọng con. Jeremy không thích bò, sau khi biết ngồi vững là thích đứng lên, đứng được thì nhún nhảy và bắt đầu vịn đi. Ba mẹ lật con lại, tập cho con bò nhưng con nhất định không chịu. Bây giờ khi con đã bám vịn thành thạo thì con tự tập bò và chỉ vài ngày là con đã bò ngon lành. Hoặc như con rất ít trớ, kể cả khi mới sinh ăn xong mình cho con ngồi xoa lưng, sau đó con quen cứ mỗi khi ăn hay uống nhiều là con ngừng và đòi ngồi thẳng để ợ rồi mới ăn tiếp. Món nào thích, món nào ghét con cũng rất rõ ràng. Gần 8 tháng là con ghét ăn cháo, con mím môi và quay đầu đi khi thấy bát cháo và khi mình chuyển sang cơm nát, thức ăn thô hơn thì con rất hưởng ứng và đến bây giờ bữa ăn của con không kéo dài quá 15p.
7. Dành thời gian cho bản thân.
Điều làm mình ấn tượng nhất khi đi khám thai và nói chuyện với bà đỡ bên này là họ luôn nhắc nhở mình dù có bận rộn đến mấy khi có con thì vợ chồng vẫn phải dành thời gian cho bản thân và cho nhau. Bây giờ ngẫm lại mình thấy điều này thật cần thiết. Khi bé chào đời, cuộc sống của vợ chồng mình thay đổi rất nhiều, mặc dù đã đọc, đã chuẩn bị tinh thần nhưng thực sự thời gian đầu mình cũng buồn phiền, lo lắng, hoang mang rất nhiều. Nhưng dần dần mình nhận ra rằng sức khoẻ là có hạn, thời gian là có hạn nên nếu muốn sống hạnh phúc, tận hưởng thì phải tự điều chỉnh cuộc sống của mình. Mình nhận ra rằng khi chỉ có 2 vợ chồng với nhau thì nên nghĩ thoáng một chút, đơn giản mọi thứ đi một chút.
- quần áo của Jeremy mình giặt máy và sấy để quần áo được sạch vi khuẩn và mềm;
- thời gian đầu con ăn dặm thì mình đi chợ cuối tuần rồi sơ chế, chuẩn bị luôn thức ăn trong tuần cho con;
- vợ chồng mình cho con ngủ cũi từ những ngày đầu tiên để con ngủ thoải mái và bản thân mình cũng được ngủ thoải mái;
- mình tập cho con ngủ sớm và dậy sớm (7.30-7.30) nên sau khi con đi ngủ là mình có cả buổi tối cho bản thân;
- mỗi khi dọn nhà là 2 vợ chồng mình cùng làm, anh hút bụi các phòng và lau sàn, mình dọn bếp và nhà tắm. Cuối tuần đều như vậy nên rất nhanh và rất vui;
- sáng cuối tuần nhà mình đi chợ, về sơ chế và bỏ vào từng túi cất ngăn đá;
- vì chỉ có 2 mẹ con mình ở nhà với nhau ban ngày nên mình chỉ nấu 1 bữa buổi tối, nấu nhiều luôn cho bữa trưa hôm sau. Thế nên mình vẫn có thời gian để phục vụ Jeremy ăn 3 bữa chính/ ngày, 1 bữa hoa quả, 5-6 bữa sữa;
- ngay từ khi Jeremy được vài tuần tuổi vợ chồng mình đã đưa con ra ngoài cuối tuần, đi ăn uống gặp bạn bè. Vợ chồng mình cố gắng không để việc có con nhỏ làm cản trở việc đi du lịch nên Jeremy có chuyến bay hơn 10 tiếng về Việt Nam khi 3 tháng tuổi, bay 5 tiếng sang Perth khi 7 tháng và rất nhiều lần lái xe 3 tiếng đi Canberra, sắp tới khi Jeremy được 13 tháng 2 mẹ con mình sẽ bay về Việt Nam ăn Tết với gia đình.
- bọn mình luôn cố gắng hỗ trợ nhau có thời gian riêng. Cuối tuần anh dậy sớm chơi với con hoặc đưa con đi chợ để mình có thêm 2,3 tiếng ngủ. Anh nấu ăn hoặc mua đồ ăn về để giải phóng mình khỏi bếp núc. Thỉnh thoảng sau giờ làm anh đi cùng bạn bè uống cốc bia nói chuyện thì mình ở nhà chơi và trông con.
Có con là có thêm niềm vui, thêm hạnh phúc, thế nhưng vợ chồng mình cố gắng không để cuộc sống hoàn toàn chỉ xoay quanh con vì ai cũng cần có không gian và thời gian cho riêng mình. Dù chỉ đơn giản là đọc quyển sách, uống tách trà, gặp bạn bè sau giờ làm nhưng phải có những khoảng thời gian riêng ấy thì mình mới cân bằng lại được cuộc sống, mới cảm nhận được mọi mặt của cuộc sống và trân quý mọi thứ hơn. Đừng bao giờ nghĩ rằng phải luôn ở bên con, dành toàn bộ thời gian, sức lực, suy nghĩ cho con thì mới là yêu con. Thực tế cho mình thấy rằng khi vợ chồng mình có chút thời gian, không gian riêng cho bản thân thì cả hai đều vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, khoẻ mạnh hơn, tận hưởng cuộc sống và chăm con tốt hơn.
8. Những lưu ý (tư vấn của bác sỹ, bà đỡ và đọc tài liệu)
- không có bệnh ho mọc tóc
- việc nằm treo chân ở nhà khi bánh nhau thấp không có tác dụng gì cả. Khi thai lớn dần lên thì 90% bánh nhau sẽ tự dịch chuyển lên cao.
- tóc sau đầu con bị rụng không phải là dấu hiệu bị thiếu canxi. Cách tốt nhất để biết con có thiếu canxi không là thử máu. Tóc con rụng phần lớn vì do con hay dụi đầu vào giường.
- con mọc răng sớm hay muộn không liên quan đến việc thiếu canxi vì răng của con đã có sẵn dưới lợi khi con sinh nên lợi con rất cứng, răng con có thể mọc bất cứ lúc nào.
- tắm nắng không phải là điều bắt buộc phải làm hàng ngày khi con mới sinh. Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc trẻ dưới 6 tháng có cần tắm nắng hay không nên muốn con khoẻ mạnh, ít bệnh tật thì thay vì mở cửa cho ánh nắng chiếu thẳng vào người con thì hãy cho con đi chơi những nơi thoáng mát từ sớm.
- không cho con ăn cháo trong thời gian quá dài vì như vậy không tốt cho dạ dày của con
- lập thời gian biểu hợp lý cho con và cố gắng thực hiện hàng ngày. Con nên ăn, chơi, nghỉ ngơi đúng giờ, như vậy tốt cho cả mẹ và con.
- khi con 1 tuần tuổi đến khoảng 3 tháng rất dễ mọc mụn sữa đầy mặt, không có gì đáng lo cả. Nếu mụn chỉ mọc ở mặt, tai, đầu, không lan xuống cổ hay người thì không cần bôi gì cả. Sau 3 tháng mụn sữa sẽ tự hết.
- không cần phải băng rốn sau sinh. Khi tắm cho con vẫn nhúng rốn hoàn toàn xuống nước và tắm bình thường, lưu ý vệ sinh nhẹ nhàng và thấm khô sau khi tắm. Khi mặc bỉm thì gập bỉm lại dưới rốn để tránh chạm vào rốn. Con không hề đau khi bị chạm vào rốn, chỉ cần lưu ý không để bị ẩm ướt lâu, cuống rốn bị dứt ra khi chưa lành.
- con không cần thiết phải tắm ngay sau khi sinh và tắm hàng ngày. Một vài nghiên cứu còn cho thấy chỉ cần lau sạch con hàng ngày và sau 1 tuần mới cần tắm cho con. Con đang quen trong bụng mẹ, không tắm cho con thì con vẫn còn cảm giác thân quen và da con vẫn có 1 lớp bảo vệ.
- dinh dưỡng khi mang bầu là rất quan trọng vì lúc này mẹ ăn gì là con sẽ ăn nấy. Thế nên rất lưu ý đến những thực phẩm không được phép ăn và cố gắng ăn đủ chất, cẩn thận trong việc uống thuốc. Dinh dưỡng lúc này sẽ giúp con phát triển nền tảng đầu tiên nên rất quan trọng, mẹ phải luôn tâm niệm nếu mình ăn món này thì có thể sẽ thoả mãn cơn thèm của mình nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của con.
- không nên nhỏ mắt, rửa mũi, tưa lưỡi cho con hàng ngày. Trừ khi con bị sổ mũi thì mới cần phải hút mũi, nếu không việc rửa mũi liên tục sẽ làm mất đi lớp chất nhầy để bảo vệ bên trong mũi, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể con. Tương tự việc tưa lưỡi là không cần thiết, vì gạc tưa lưỡi chưa chắc đã đảm bảo vệ sinh mà còn có thể mang vi khuẩn vào miệng con. Trừ khi lớp trắng quá dày và ảnh hưởng đến việc ăn sữa của con, nếu không thì khi con bắt đầu ăn dặm lưỡi con sẽ tự hết trắng.
- đồ ăn lợi sữa. Theo như bác sỹ bên này thì không có đồ ăn nào là lợi sữa và không có đồ ăn nào là làm mất sữa cả. Mẹ nên ăn những gì mẹ thích, chỉ cần cố gắng cân bằng các nhóm và đầy đủ dinh dưỡng. Muốn có nhiều sữa thì mẹ uống nhiều nước, tinh thần thoải mái, ngủ đủ, cho con ti hoặc hút sữa đều đặn.
9. Những kiêng cữ không cần thiết
- kiêng nước. Mẹ sau khi sinh rất cần sạch sẽ, đặc biệt là phải giữ vết khâu, vết mổ sạch, tránh nhiễm trùng. Nếu người quá mệt mỏi không thể tắm thì nên lau người, nhưng vết khâu vẫn phải được vệ sinh sạch sẽ nhiều lần trong ngày.
- kiêng gió. Sau sinh cơ thể thay đổi rất nhiều, mẹ nên tự cảm nhận xem mình muốn gì và làm sao mình thoải mái nhất là được. Trời lạnh thì mặc đủ ấm, trời nóng thì mặc thoáng mát. Mẹ cứ lắng nghe cơ thể mình và đừng để mình bị khó chịu, đặc biệt khi sữa về sẽ thấy rất nóng, nếu không mặc thoáng mát mà lại ôm con thì cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ của con. Phòng của mẹ cũng cần thoáng mát, lưu thông không khí. Không nên cho quạt hay điều hoà thổi trực tiếp vào người con, cửa sổ nên mở, phòng vệ sinh sạch sẽ. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng của con là 26-30 độ.
- kiêng vận động. Sau sinh mẹ nên vận động càng sớm càng tốt, đi lại nhẹ nhàng, bế con là những việc mẹ nên làm sớm. Vết khâu, vết mổ sẽ đau và nhiều khi phải 3-4 tháng mới lành hoàn toàn, mẹ càng sớm vận động thì cơ thể càng nhanh hồi phục. Có lẽ vì thế là ở đây họ không cho gia đình ở lại ban đêm. Mặc dù mới sinh xong nhưng ban đêm chỉ có 2 mẹ con, nên mẹ dù đau mấy cũng sẽ phải vận động đi lại, bế con, chăm con.
- kiêng cho con ra ngoài trong tháng. Thực ra chỉ cần thời tiết thuận lợi, khí hậu trong lành thì con có thể ra ngoài chơi từ lúc mới sinh. Việc cho con vào xe đẩy và cho đi chơi từ sớm sẽ tốt cho hệ hô hấp của con khi con sớm được gần gũi với thiên nhiên, được hít khí trời và ngắm nhìn mọi vật. Việc ra ngoài sớm cũng rất tốt cho mẹ khi mẹ được luyện tập để từ từ hồi phục sức khoẻ và nhanh lành vết khâu.