Hôm nay mình học về môn Cung cấp sự chăm sóc cho trẻ (Provide care for children), có nói khá kỹ đến việc tập cho bé sử dụng toilet. Mình muốn dịch lại để làm tư liệu cho bản thân và chia sẻ với các mẹ đang muốn tập cho bé. Quá trình học cách sử dụng toilet nên là quá trình thoải mái, không áp lực.
Để tập sử dụng toilet, bé phải là người sẵn sàng. Có bé sẽ sẵn sàng sớm hơn các bé khác, và quá trình tập sử dụng toilet ngắn hay dài cũng rất khác nhau.
-
Dấu hiệu bé đã sẵn sàng để tập bô hoặc dùng toilet:
- Độ tuổi: các bé thường nên bắt đầu tập tự đi vệ sinh trong khoảng 18 tháng đến 3 tuổi.
- Tò mò: Bé tỏ rõ sự tò mò khi thấy người khác đi vào nhà tắm.
- Khô ráo: bỉm hoặc tã của bé vẫn khô sau 2 tiếng. Đây là dấu hiệu cho thấy bé đã có thể nhịn. Dấu hiệu rõ hơn là bỉm hoặc tã của bé vẫn khô khi bé thức dậy sau giấc ngủ trưa.
- Không thích bỉm/tã: bé nói với mình bé ghét mặc bỉm, hoặc cố gắng tự tháo bỉm ra, nhất là khi bỉm ướt hoặc nặng.
- Nhận thức: Bé thông báo với mình là bé đang đi nặng hoặc nhẹ, hoặc thông báo ngay khi bé đi xong. Nếu bé có thể nói với mình trước khi bé tè hoặc ị, chắc chắn là bé đã sẵn sàng để tập bô hoặc dùng toilet
-
Nên dùng bô hay dùng nhà vệ sinh?
Bố mẹ là người quyết định xem bé nên tập bô hay tập ngồi bệ xí, dưới đây là một vài tiêu chí:
- Nhiều bé sợ ngã vào bệ xí, nên cho bé tập bô
- Bô có thể được đặt ở bất kỳ nơi nào trong nhà và thậm chí có thể mang đi chơi
- Bé đã quen với ngồi bô có thể sợ khi chuyển sang dùng toilet
- Nếu bé dùng toilet, bố mẹ nên mua ghế hoặc bậc nhỏ có thể lắp vào bệ xí đã có sẵn để bé thấy yên tâm
- Nhiều bố mẹ tập cho con cả ngồi bô và ngồi toilet.
-
Bắt đầu quá trình tập đi vệ sinh:
- Dừng sử dụng tã/bỉm khi bé thức vào ban ngày và mặc quần chip cho bé. Những khi bé ngủ vẫn mặc tã/bỉm cho bé.
- Mặc quần áo đơn giản cho bé, thay vì quần có khoá và cúc thì mặc cho bé quần chun.
- Nhắc nhở và hỏi con thường xuyên để xem bé có muốn đi vệ sinh không. Nên nhớ, không quát tháo hoặc bắt buộc.
- Đừng bắt bé ngồi bô hoặc toilet trong thời gian lâu, bé sẽ cảm thấy mình đang bị phạt.
- Lau mông cho bé khi mới bắt đầu tập đi vệ sinh.
- Dạy bé rửa tay mỗi khi đi vệ sinh. Dùng loại xà phòng hoặc nước rửa tay thơm, phù hợp với da bé. Khi bé có những dấu hiệu sẵn sàng, bé sẽ học rất nhanh. Tuy nhiên, bé chắc chắn sẽ tiếp tục có những sự cố, mình không nên mất kiên nhẫn. Nếu bé tự nhiên không muốn tập đi bô hoặc toilet nữa, đừng ép bé. Hãy đợi đến khi bé sẵn sàng để thử lại.
- Nếu tập 1 tuần mà không có tiến triển gì, hãy dừng lại và thử lại sau vài tuần. Không việc gì phải quá cố gắng hoặc ép buộc trong chuyện này.
- Nhớ khen ngợi bé. Mỗi khi bé làm tốt, có thể tặng bé 1 hình dán. Khi bé đã thuần thục hơn, giảm dần lời khen.
- Khi sự cố xảy ra, mình nên tỏ thái độ không có vấn đề gì cả.
- Khi bố mẹ đang mệt mỏi, áp lực, không nên cố tập cho bé, ví dụ: mang bầu, vừa đi làm về mệt, đang có chuyện buồn cáu.
-
Một vài tip đơn giản khi cho bé tập dùng toilet.
- Mặc dù lúc đầu có thể khá kì cục nhưng khá nhiều bài viết khuyến khích bố mẹ nên cho bé thấy bố mẹ hoặc anh chị em dùng toilet để giúp bé hiểu hơn và lấy bố mẹ làm hình mẫu.
- Luôn luôn có nhìn nhận tích cực khi bé tỏ ra sẵn sàng dùng toilet, hãy khen bé: “Con làm rất tốt!” “Giỏi lắm!”
- Mình có thể đọc truyện, kể chuyện cho bé nghe. Dán hình ảnh trong phòng, trong nhà tắm, cho bé xem các clip hướng dẫn để giúp bé hiểu hơn về quá trình tập dùng toilet.
- Khi có sự cố xảy ra, mình rất cần bình tĩnh, nói chuyện tích cực với bé. Nhất là khi bé chủ động tìm đến mình để kể về sự cố ấy.
- Nhà tắm hoặc nơi đặt bô cho trẻ tập nên sáng sủa và được trang trí vui mắt. Mùi thơm cũng quan trọng như quang cảnh. Nhà tắm hoặc nơi bé ngồi bô phải an toàn và tạo cảm giác thoải mái.
- Có nhiều bé thích được tập ngồi bô hoặc toilet với bạn bè hoặc anh chị em gần tuổi. Vì trẻ luôn thích bắt chước nên cách thức này có thể giúp các bé. Tuy nhiên không phải bé nào cũng thấy thoải mái khi có các bé khác ngồi xung quanh và nhìn ngó, bố mẹ rất cần hiểu rõ bé để xem cách thức nào phù hợp nhất với con mình.
- Cả nhà nên nhất trí trong việc dùng từ ngữ để nói chuyện với bé. Bé có thể bị lung túng và thấy khó hiểu nếu mỗi thành viên trong gia đình lại dùng các từ khác nhau để gọi các bộ phận trên cơ thể và gọi việc đi vệ sinh của bé.
- Mỗi khi bé đi vệ sinh, hãy khuyến khích và hướng dẫn để bé tự cởi đồ. Nhờ đó bé hiểu hơn về quy trình và chủ động hơn với việc mình làm. Trong thời kỳ tập dùng toilet hoặc bô, bé nên được mặc quần áo dễ cởi, không phức tạp.
- Luôn ở cạnh bé khi bé tập đi vệ sinh. Chắc chắn thời gian đầu, bé sẽ mất nhiều thời gian hơn. Bố mẹ nên khuyến khích, nhẹ nhàng và động viên bé.
- Trong nhiều trường hợp, bé sẽ rất tự hào với thành quả của mình và rất muốn khoe với bố mẹ và mọi người trong nhà. Bố mẹ nên phản ứng tích cực.
- Trong ngày, khuyến khích con sử dụng bô hoặc toilet mỗi khi bé cần đi vệ sinh. Nhưng không nên lúc nào cũng bắt buộc bé phải vào nhà tắm hoặc dùng bô nếu bé không muốn.
- Hỗ trợ bé lau rửa mông. Để bé tự mặc đồ nếu bé muốn. Giải thích và hướng dẫn rửa tay đúng cách và lau tay sạch sẽ.
-
Giúp bé học kỹ năng tự lập khi tập dùng bô hoặc dùng toilet.
Điều quan trọng nhất trong việc tập đi vệ sinh đó là sự sẵn sàng của bé. Bé phải sẵn sàng về mặt thể chất, tức là bé đã biết nhịn và đi khi bé muốn. Trẻ cũng rất cần sẵn sàng về mặt tâm lý, bé phải biết về quy trình đi vệ sinh. Và bé cũng phải sẵn sàng hợp tác. Khi có đủ ba yếu tố thể chất, tâm lý, tình cảm thì việc tập ngồi bô hoặc dùng toilet có thể diễn ra khá dễ dàng. Người lớn luôn phải quan sát để chắc chắn bé làm đúng quy trình và để hỗ trợ khi cần. Trẻ dù ở bất kỳ độ tuổi nào cũng phải thực hiện đúng quy trình vệ sinh (rửa tay, lau rửa mông). Để giúp quá trình tập đi vệ sinh của bé được dễ dàng hơn, khu vực nhà tắm hoặc nhà vệ sinh phải phù hợp để bé có thể chủ động và thoải mái:
- Ghế nhỏ hoặc bậc gỗ có thể đặt để bé tự bước lên ngồi xuống bệ mà không cần bế ẵm.
- Khu vực toilet sáng sủa và được treo nhiều bức tranh sặc sỡ. Bé có thể giúp mình tô vẽ và dán lên. Điều này khiến bé thoải mái và thấy thân quen hơn khi ngồi đấy.
- Cẩn thận với những ổ điện xung quanh khu vực bé đi vệ sinh.
- Luôn nhẹ nhàng và yêu cầu mọi người lịch sự, nhẹ nhàng, nhất là khi có sự cố xảy ra.
Khi bé đã đi nhà trẻ, bố mẹ phải nói chuyện với cô giáo về quá trình tập bô của bé ở nhà: bé đã quen với quy trình như thế nào, điều gì có thể khiển bé thoải mái. Các bé đang quen đi bô và dùng toilet ở nhà sẽ gặp khó khăn khi đến nhà trẻ. Bố mẹ phải nghiêm túc trong việc nói chuyện với cô giáo. Đừng khiến tất cả quá trình tập bô ở nhà của bé thành con số 0 vì bé đến nhà trẻ và cảm thấy sợ.
-
Xử lý sự cố khi tập đi vệ sinh.
- Bố mẹ nên chuẩn bị trước tinh thần. Bé đang quen việc mặc tã/bỉm, nên khi chuyển sang bô hay toilet, bé cần thời gian để tập, sự cố xảy ra là chuyện thường.
- Bé chưa thể nhịn được lâu. Trong thời gian đầu, nhiều khi bé chỉ kip nói với mình bé cần đi vệ sinh mà không kịp chờ đến khi mình lấy bô hoặc dẫn vào toilet.
- Hãy khen bé kể cả khi bé không kip nhịn. Khen bé vì bé đã bảo với mình hoặc khen bé vì bé đã tự cởi quần.
- Khi sự cố xảy ra, bé có thể khó chịu hoặc buồn. Bố mẹ phải nói với bé là sự cố đấy không có vấn đề gì cả, cần có thời gian để bé tập và thành thục.
(Nguồn: betterhealth.vic.gov.au Tài liệu học môn Provide Care for Children- Certificate III in Children’s Services) Phần tiếp theo: Tập cho bé đi vệ sinh vào ban đêm.