Mình rất yêu trẻ con, hiện mình đang học một khoá về chăm sóc trẻ (Certificate III in Children Services) và đang làm cho một nhà trẻ ở Úc. Mình học được rất nhiều điều và thấy rất thú vị khi tiếp xúc với các bé, chăm sóc các bé và thấy các bé lớn lên từng ngày. Những điều mình viết là những điều mình được học trên sách vở và trong công việc hàng ngày. Với mình đó là những điều cần thiết cho em bé của mình sau này và có thể, biết đâu đấy, cũng có ích cho những bố mẹ trẻ tầm tuổi mình.
Dành cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi
-
Không bế ẵm nhiều
Mình thấy các bé hay thích bế ẵm thường bị phụ thuộc vào người lớn, không độc lập khi đến môi trường mới và nhiều khi không thích chơi với các bạn. Thể hiện tình cảm với con là rất cần thiết, thơm bé, chơi với bé, lắng nghe bé, ôm bé là những hành động nên làm hàng ngày để bé biết mình được yêu thương. Nhưng khi các bé đã có thể bò hoặc đi, mình nghĩ nên khuyến khích các bé tự vận động và bố mẹ luôn ở bên để các bé yên tâm. Kiên nhẫn và nhẹ nhàng là yếu tố siêu cần thiết.
- Khi bé đã biết đi và phải leo cầu thang, nhiều bé sợ và ỷ lại người lớn, hãy nắm tay bé, đi cạnh bé và khuyến khích: “1 bước nữa thôi! Nhìn mẹ bước này!”, khi bé bước được 1 bước, hãy hoan nghênh con: “Wow, Bơ giỏi quá! Bơ bước thêm 1 bước nữa nào!”. Hãy kiên nhẫn và nhẹ nhàng.
- Khi bé muốn được bế, bé sẽ giơ tay lên, tiến đến gần và nói: “Ư ư ư!! Bế bế!”, những lúc như thế các bé rất đáng yêu và đáng thương, hầu hết ông bà bố mẹ đều muốn bế con lên để nựng và để con hài lòng. Nhưng làm thế, bé biết được mình có thể điều khiển người khác. Những khi bé như vậy, người lớn nên ngồi xuống bằng bé và nói với bé: “không bế đâu con ạ! Mẹ con mình ra xem cái kia đi!”. Trẻ con rất dễ phân tâm khi có đồ chơi hay ở môi trường mới, hãy nhẹ nhàng đánh lạc hướng của con.
- Không bế ẵm nhiều không chỉ mang lại lợi ích cho bé mà còn cho cả bản thân mình nữa. Khi trẻ bước sang tuổi thứ 2, các bé nặng khoảng 12,13kg, bế ẵm các bé không tốt cho lưng và xương của mình. Việc nâng và đặt các bé cũng khiến cho tay mình khá mỏi.
Mình làm việc trông trẻ bên này, các bé mới đi trẻ đều muốn được bế ẵm. Với các bé mới, việc dành thời gian hơn để giúp các bé sớm hoà nhập với môi trường mới là rất cần thiết, nhưng vẫn không nên bế ẵm. Ngồi cạnh, nói chuyện hoặc để bé ngồi trong lòng mình, sau đó khuyến khích bé chơi các đồ chơi để bé dần dần tự tin hơn.
-
Phát triển kỹ năng độc lập: Self-help skill
Đây là kỹ năng cần thiết với tất cả lứa tuổi và tất nhiên, khi chúng ta càng lớn, chúng ta càng trở nên độc lập hơn. Nhưng là bố mẹ, ai cũng muốn bé của mình độc lập và có thể tự làm một số việc đơn giản. Ai cũng tự hào và hạnh phúc khi thấy con đến môi trường mới ít khóc lóc, dễ hoà nhập và không sợ sệt.
Kỹ năng này cần sự kiên trì, nhẫn nại của bố mẹ và đó là cả quá trình dài chứ không phải ngày một ngày hai. Tất nhiên các bé đều có tính cách riêng, và độ tuổi riêng để bắt đầu học cách trở nên độc lập, nhưng thường thì bố mẹ có thể bắt đầu giúp con phát triển kỹ năng này khi con được 12 tháng tuổi.2.1. Trong bữa ăn:
- Thay vì đút và xúc cho con, mình có thể cắt củ quả thành miếng vừa ăn, để trên bàn để bé có thể bốc cho vào miệng.
- Giới thiệu các món cho bé biết. Trẻ sau 1 tuổi bắt đầu tò mò và lắng nghe khi mình nói. Đừng nghĩ các con còn bé nên không hiểu gì, các bé hiểu nhiều hơn mình tưởng và thực chất việc nói chuyện với bé sẽ giúp các bé thích nói chuyện và tương tác với người khác hơn.
- Các bé từ 12 tháng tuổi đã có thể cầm bình nước hoặc bình sữa. Cứ khoảng 1,2 tiếng, đưa bình nước và hỏi bé: “Nước nhé?!”, nếu bé chưa biết cầm thì hãy ngồi xuống và giúp bé uống nước. Cầm tay bé đặt và quai cầm.
Nếu bé không muốn uống thì đừng ép. Đặt bình nước xuống và 5-10p sau lại hỏi bé. Khi cho bé uống nước, mình cũng có thể uống và bảo con: “Bơ nhìn này, mẹ cũng đang uống nước này!
2.2. Mặc đồ
- Khi mặc đồ cho bé, đặt bé ngồi hoặc nằm ngay ngắn, đừng chạy theo con để mặc cho con cái áo, xỏ cho con cái giày hoặc đội cho con cái mũ. Người lớn phải làm chủ tình huống.
- Nếu trẻ đang chơi, đưa cho bé đồ chơi nhỏ và đặt bé nằm hoặc ngồi ngay ngắn. Vừa thay đồ vừa nói chuyện với con. Khi bé được 2 tuổi, mình có thể cho bé chọn đồ (áo hoặc quần). Nếu sự lựa chọn của bé phù hợp (thời tiết, sức khoẻ, sự kiện) thì hãy hoan nghênh bé. Các bé cũng như chúng mình, rất thích được khen và tán thưởng. Nếu sự lựa chọn của bé không phù hợp, hãy giải thích với con và đưa ra phương án thay thế.
- Đi giày cho trẻ. Đặt trẻ ngồi, lấy giày ra, nói với trẻ: “Con phải đi giày thì mới được đi chơi!”. Sau khi trẻ đã quen với việc phải đi giày dép, mỗi khi chuẩn bị đi đâu mình bảo con: “Giày đâu con? Lấy giày cho mẹ nào!”. Dần dần mình sẽ dạy con cách thắt dây giày.
Mình làm ở đây, các bé 17 tháng đã có thể tự mang giày ra, tự ngồi xuống, đưa chân ra và ngồi kiên nhẫn bao giờ đi xong giày mới đứng dậy.
2.3. Chơi đồ chơi
Thường các bé chỉ mất chưa đến 5p để lôi hết đồ chơi ra để chơi nhưng ít bé nào lại thích xếp đồ chơi lại sau khi chơi xong. Nhiều bố mẹ ông bà cứ nghĩ là trẻ con thì không nên bắt dọn dẹp hoặc trẻ con nói cũng chẳng hiểu. Nhưng đấy là suy nghĩ chưa đúng, trẻ con rất thích bắt chước và nếu bé lấy đồ chơi ra được thì cũng hoàn toàn có thể cất lại được. Lúc đầu, bố mẹ có thể xếp đồ chơi và bảo bé: “Con đưa cho mẹ quyển sách nào! Đưa mẹ em khoai búp bê nào!”, chỉ vào đồ chơi, và bảo bé đưa cho mình. Sau khi đã quen, mình có thể bảo bé: “Con cho sách vào thùng này nào!”. Khi bé cùng dọn với mình, hãy khen con: “Bơ giỏi quá!” “Bơ thật ngoan” “Không có Bơ làm sao mẹ dọn được!”, thơm bé và xoa đầu bé!
Cũng phải nhớ là trẻ rất hay bị phân tán tư tưởng và cũng như người lớn, trẻ thích chơi nhiều hơn là dọn. Khi dọn dẹp đồ chơi, hãy tắt hết tivi, đừng để có gì ảnh hưởng đến bé. Bé phải hiểu rằng dọn dẹp sau khi chơi là việc phải làm. Khi bé lớn hơn, trước khi bé chơi, mình phải nhắc bé: “Con nhớ phải dọn đồ chơi sau khi chơi xong nhé!”.
Dọn dẹp là kỹ năng không hề dễ, đừng bắt ép các bé quá. Hãy cố gắng để dù có dọn đồ chơi, bé cũng cảm thấy thoải mái và như đang chơi. Kiên nhẫn và nhẹ nhàng.
-
Khen và chê đúng lúc
-
Tôn trọng quyết định của bé
-
Người lớn là người ra quy định
-
Nghiêm khắc
-
Giờ ngủ
-
Mệnh lệnh rõ ràng, ngắn gọn
-
Cả nhà nhất trí trong hành động