Bệnh của bố mẹ
@ Kim Ha · Wednesday, Mar 5, 2014 · 8 minute read · Update at Mar 5, 2014

Dạo này có rất nhiều chuyện xảy ra xung quanh mình, khiến mình dừng lại và nghĩ về các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ giữa các thế hệ. Mình viết ra đây một vài suy nghĩ của mình về cách mình thấy bố mẹ/ông bà hay áp dụng với con cháu, để sau này mình có thể cố gắng để tránh.

Bệnh nghiện con

Đây là “bệnh” mình thấy phổ biến nhất ở các bố mẹ. Suy nghĩ của bố mẹ thường là:

  • Con mình là nhất
  • Con mình luôn đúng
  • Con mình luôn đẹp
  • Con mình thất bại là vì ngoại cảnh, vì bạn bè, vì thầy cô, vì đồng nghiệp, vì sếp.
  • Con không cần quá cố gắng (bất cứ chuyện gì), lúc nào cũng sợ con bị áp lực, bị trầm cảm.

Biểu hiện của bố mẹ:

  • Luôn khen con, không dừng được. Khen trước mặt và sau lưng con. Khen với mọi người, không cần biết người kia có nghe không. Một vài câu chuyện về con thôngminh, con giỏi giang thế nào sẽ được kể đi kể lại cho mọi người nghe, “Con tôi hồi bé đẹp như tiên, như trong tranh bước ra. Ai đến nhìn thấy cũng phải ngạcnhiên!”, “6 tháng tuổi thằng cu nhà này đã biết đi, chẳng bò gì cả! Tự nhiên một ngày đứng dậy đi luôn!”
  • Nói thẳng là con không cần phải cố gắng quá trong bất cứ chuyện gì (thường là học hành, công việc) vì sợ con bị áp lực. Luôn đưa ra các phương án để con khôngbị áp lực trong cuộc sống, ví dụ: “Con cứ học, nhưng đừng cố gắng quá lại ốm. Bố mẹ đã nhắm cho con một vài vị trí trong công ty của bạn bố mẹ rồi”, “Điểm thế nàylà tốt lắm rồi, qua được là được rồi! Như đứa A nhà hàng xóm còn trượt cơ!”, “Con nghỉ việc này đi, đi làm thế này vất vả quá! Ở nhà cho đỡ mệt!”
  • Xót con (con bị bắt nạt, bị cô giáo mắng, bị bồ đá, bị sếp mắng,…) nên sẽ nhảy vào và xử lý, nhiều khi không cần biết đúng sai thế nào vì con mình luôn đúng mà.
  • Chê bai con người khác, so sánh con mình với con người khác, rồi tiện thể lại khen con mình. Coi thường con người khác, luôn nghĩ chỉ có mình mới nuôi con thànhcông, chỉ có mình mới có công sinh thành đau đớn.
  • Luôn nói đỡ cho con và rào trước với người khác khi con đến môi trường mới hoặc gặp người mới, ví dụ:”Cháu nó hiền và ngoan lắm cô ạ! Cô để ý đặc biệt đến cháuhộ tôi! Cô cho cháu ngồi bàn 1! Cô cho cháu ngồi cạnh bạn gái hiền hiền ạ!” (nói với giáo viên), “Cháu nó ở nhà chỉ biết học hành thôi ạ, tôi sợ cháu bị phân tánnên cũng không bắt cháu làm gì nhiều. Anh chị châm chước cho cháu! Dạy dỗ cháu từ từ ạ!” (nói với thông gia),
  • Con gặp vấn đề gì (không được điểm như ý, bỏ người yêu,…) thì con chưa khóc, bố mẹ đã nức nở. Trách cứ mọi người, mọi sự, mọi việc ngoài con mình. Luôn nghĩ conmình là nạn nhân, là người kém may mắn.

Tính cách của con cái:

  • Coi mọi sự là nghiễm nhiên, mọi thứ tốt đẹp đến với mình là hiển nhiên, còn những điều không tốt đến với mình là vì mình không may mắn.
  • Luôn nghĩ mình là nạn nhân, trách móc mọi điều xung quanh ngoại trừ bản thân mình khi có điều không hay xảy ra.
  • Không cố gắng trong cuộc sống, dễ từ bỏ và dựa ngay vào người khác từ trước khi bản thân cố gắng.
  • Không lắng nghe người khác vì nghĩ mình luôn đúng.
  • Không thích người khác được hạnh phúc, thành công. Muốn mình luôn hơn người nhưng lại không cố gắng.
  • Ích kỷ, không trân trọng tình cảm, sự giúp đỡ của người khác, thậm chí của chính bố mẹ. Dễ cáu khi mọi thứ không theo ý mình. Từ việc cáu gắt có thể dẫn đếnnhững hành động và lời nói gây tổn thương người khác, thậm chí chính bố mẹ mình.

Bệnh chê con

Suy nghĩ của bố mẹ:

  • Phải chê thì con mới nên người.
  • Con không bao giờ đúng
  • Con chưa giỏi bằng người khác hoặc chưa giỏi bằng sự mong đợi
  • Con chưa trưởng thành đủ
  • Không chê thì con không cố gắng.

Biểu hiện của bố mẹ:

  • Chê con trước mặt con, chê con trước mặt gia đình, chê con trước mặt mọi người: “Thằng này thì biết gì! Nó thì giỏi giang gì!”. Gạt đi khi người khác khen conmình, chỉ ra bằng được lỗi lầm của con.
  • So sánh con với người khác, mang con người khác ra làm gương, làm ví dụ.
  • Không bao giờ nói chuyện với con ngang tầm vì trong mắt bố mẹ, con không bao giờ đủ trưởng thành.
  • Không bao giờ ủng hộ và hỗ trợ con. Hoặc nếu có hỗ trợ thì cũng không có niềm tin con sẽ thành công.
  • Nếu con thất bại, coi là hiển nhiên: “Bố mẹ biết từ đầu rồi. Nhưng thấy con thích thì cũng chẳng muốn nói, con làm sao mà làm được việc đấy!”. Nếu con thànhcông, cũng coi là hiển nhiên: “Cái việc đấy thì ai chả làm được! Cái đấy có gì mà tự hào!”

Tính cách của con cái:

  • Luôn muốn chứng minh mình trong cuộc sống, nhiều khi trở nên quá cạnh tranh và ganh đua, nhiều khi với cả anh chị em ruột.
  • Tự ti vì cảm thấy bố mẹ không yêu mình vì mình không đủ ngoan, không đủ giỏi, không đủ thành công.
  • Đặc biệt ghét khi bị so sánh.
  • Không thích những người xung quanh thành đạt hơn mình.

Bệnh áp đặt con

Suy nghĩ của bố mẹ:

  • Mình hiểu điều gì là tốt nhất cho con
  • Con chưa đủ trưởng thành

Biểu hiện của bố mẹ:

  • Bố mẹ luôn là người đưa ra mọi quyết định, mọi ý kiến. Con cái không có tiếng nói, không được lắng nghe.
  • Con cái không bao giờ được coi là đủ trưởng thành để đóng góp ý kiến.
  • Không thảo luận với con cái, mọi câu chuyện thường là một chiều, bố mẹ nói và con nghe. Nếu con cãi lại sẽ bị mắng hoặc: “Con chả hiểu gì cả! Rồi cứ đợi mà xem!”* Mong muốn con luôn theo ý mình đến mức áp đặt, ép buộc. Tìm mọi cách để con phải theo ý mình, nhờ vả người khác giúp mình giải thích để con theo ý mình.
  • Không quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của con. Luôn nghĩ con còn nhỏ, lớn lên con sẽ hiểu tại sao mình lại làm như vậy.

Tính cách của con:

  • Cảm giác không được tôn trọng, không được lắng nghe.
  • Luôn có suy nghĩ muốn vùng vẫy để thoát khỏi bố mẹ. Luôn muốn bay thật xa, ở thật xa để không bị áp đặt, bị “lừa” làm những việc mình không muốn.
  • Không gần gũi với bố mẹ, không tâm sự, không có nhu cầu ở bên bố mẹ. Thậm chí nếu ở xa thì không muốn liên lạc, nói chuyện.
  • Cảm thấy mọi điều bố mẹ nói đều sai, con chỉ muốn làm ngược lại.

Bệnh kiểm soát con.

Suy nghĩ bố mẹ:

  • Con luôn làm việc dại dột
  • Con luôn giấu giếm
  • Con không muốn mở lòng nói chuyện, tâm sự với bố mẹ vì khoảng cách giữa 2 thế hệ.

Biểu hiện của bố mẹ:

  • Xâm phạm quá sâu vào đời tư của con (đọc trộm nhật ký, đọc trộm điện thoại email, lập facebook để kiểm soát con)
  • Không cho con có không gian và thời gian riêng. Ví dụ: gọi điện, nhắn tin liên tục bắt con về khi con không ở nhà buổi tối; phải biết hết tên và số điện thoạicủa các bạn con; không muốn con đi đâu, làm gì mà không có mình.
  • Rất hay “tình cờ” nhắc đến mẩu báo, mẩu chuyện, trường hợp A, B về chuyện nọ chuyện kia trong bữa ăn để có ý nhắn nhủ con.

Tính cách của con:

  • Cảm thấy không được tôn trọng
  • Luôn muốn vùng vẫy thoát khỏi sự kiểm soát của bố mẹ.
  • Không gần gũi, không muốn tâm sự với bố mẹ.
  • Con càng giấu giếm, càng có nhiều bí mật hoặc con quá hồn nhiên vô tư không biết gì về cuộc sống.

Bố mẹ nào cũng yêu thương con mình nhất, muốn con mình thành đạt hiển vinh hơn người. Bố mẹ có làm gì thì cũng chỉ vì muốn con thành công, chẳng bố mẹ nào muốn mình hy sinh hết vì con và rồi con ngày càng muốn rời xa bố mẹ. Mình viết ra suy nghĩ của mình như thế này, cũng chỉ mong sau này mình đủ sáng suốt, bình tĩnh để có thể áp dụng mỗi thứ một chút trong cách nuôi dạy con, để đôi bên đều thoải mái và ngày càng hiểu nhau hơn. Nhìn thấy thật nhiều mối quan hệ rạn nứt xung quanh thật quá buồn, nhưng không thể làm gì được. Vì người trong cuộc không nhận ra bản thân mình đang thái quá, đang tự làm cuộc sống căng lên và tự dứt đứt mối quan hệ bố mẹ và con cái thì còn ai có thể giúp được?!

James - The trouble maker

Jeremy - The professor

Social Links